10:25 AM 10-06-2017- 10:25 AM 10-06-2017 - Lượt xem: 904
Hiện nay các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần thường niêm yết lãi suất cao hơn các NHTM nhà nước. Thống kê cho thấy ở kỳ hạn phổ biến nhất là 1 tháng thì lãi suất cao nhất hiện nay là 5,4 - 5,5% ở các NHTM cổ phần nhỏ, trong khi thấp nhất là 4,3 - 4,4% ở các NHTM nhà nước và 1 số NHTM cổ phần lớn. Ở các kỳ hạn khác thì chênh lệch giữa 2 nhóm ngân hàng này thường là từ 1 - 1,5%.
Do đó, việc gửi tiền tại các NHTM cổ phần niêm yết lãi suất tốt sẽ có lợi nhiều hơn. Nếu gặp rủi ro thanh khoản thì các ngân hàng vẫn được sự hỗ trợ qua hình thức cho vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, trong khi với các sổ tiết kiệm dưới 50 triệu đồng thì chắc chắn được các ngân hàng mua bảo hiểm tiền gửi và sắp tới hạn mức tiền gửi được bảo hiểm sẽ được nâng lên 75 triệu đồng.
Về kỳ hạn gửi, nếu xác định trước không có nhu cầu vốn kinh doanh hoặc đầu tư thì nên chọn gửi kỳ hạn dài để được hưởng lãi suất cao hơn. Hiện tại chênh lệch lãi suất giữa ngắn hạn và trung dài hạn có thể lên đến 2 - 2,5%. Nhiều người cho rằng gửi kỳ hạn ngắn sẽ chủ động rút ra gửi ở kỳ hạn khác khi lãi suất thị trường tăng lên, tuy nhiên với mức độ ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay thì nếu có tăng cũng chỉ tăng nhẹ và chậm, do đó gửi kỳ hạn ngắn sẽ không được lợi và hưởng trọn mức chênh lệch 2 - 2,5%/năm.
Một điều người gửi tiền cần lưu ý nữa là mặc dù các ngân hàng có niêm yết khung lãi suất, tuy nhiên có thể áp dụng mức lãi suất khác nhau cho những đối tượng khác nhau. Cụ thể ở một số ngân hàng, người nội trợ hoặc người già có thể nhận được thêm mức cộng lãi suất từ 0,05 - 0,1%, do đó nếu khách hàng muốn được ưu đãi thêm về lãi suất có thể nhờ bố mẹ hoặc ông bà đi gửi giùm.
Gửi tiền tại ngân hàng chỉ thực sự được lợi khi lạm phát thấp hơn mức lãi suất danh nghĩa mà khách hàng được nhận. Theo lý thuyết, lãi suất thực sẽ bằng lãi suất danh nghĩa năm (là mức lãi suất ngân hàng trả cho khách hàng) trừ đi mức lạm phát năm. Không ít người nhầm lẫn khi lấy mức lạm phát hiện tại để tính lãi suất thực. Điều đó là không đúng, nên cần nhấn mạnh rằng phải tính theo tỷ lệ lạm phát kỳ vọng.
Cụ thể tại thời điểm gửi tiền, người gửi nhận được lãi suất 8%/năm và kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới ở mức 5%/năm, thì hy vọng nhận được lãi suất thực là 3%/năm, tuy nhiên nếu sau 12 tháng lạm phát lên tới 10% thì lãi suất thực là -2%, đồng nghĩa với việc do lạm phát làm xói mòn số tiền gửi ngân hàng.
Là người gửi tiền, cần biết "nguyên tắc 72" để ước lượng nhanh thời gian cần có để số tiền gửi tăng lên gấp đôi. Cụ thể nguyên tắc này là một mẹo tính toán nhanh, trong đó nếu lấy số 72 chia cho mức lãi suất tiền gửi hằng năm sẽ cho ra số năm cần thiết để giá trị tiền gửi ban đầu tăng lên gấp đôi. Ví dụ có 1 tỷ đồng gửi ở ngân hàng với lãi suất 8%/năm, trong đó lãi hằng kỳ được tính vào gốc và trả một lần khi đáo hạn, thì thời gian để số tiền này tăng lên thành 2 tỷ chỉ cần lấy 72 chia 8 là 9 năm.
Việc gửi tiền trong đó xác định lĩnh lãi cuối kỳ và dồn tiếp tiền lãi này vào vốn gốc gửi sẽ giúp số tiền tăng nhanh hơn rất nhiều nhờ vào quy luật lãi kép trên. Trong khi đó, với những khách hàng gửi tiền và lĩnh lãi định kỳ hằng tháng thì cần biết rằng hiện nay đã có một số ngân hàng đăng ký nhận lãi qua tài khoản thẻ và thông báo qua SMS banking.
Cụ thể, hằng tháng khách hàng sẽ không cần đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ngân hàng để nhận lãi như trước đây, mà tiền lãi này sẽ chuyển trực tiếp vào tài khoản thẻ hooặc tài khoản thanh toán của khách hàng, đồng thời hệ thống cũng nhắn tin thông báo số tiền lãi nếu khách hàng đăng ký sử dụng Ebanking, lúc này nếu có nhu cầu rút lãi thì chỉ cần đến bất kỳ máy ATM nào.
Mặc dù đã xác định thời điểm nhu cầu vốn có thể phát sinh và kỳ hạn gửi tối ưu, nhưng người gửi tiền cũng khó có thể tránh được những trường hợp đột xuất cần phải rút tiền gửi ngân hàng. Theo quy định hiện nay, nếu rút trước hạn thì khách hàng phải nhận lãi suất không kỳ hạn, dù thời gian đáo hạn của số tiết kiệm đã sắp đến, dẫn đến phải mất một số tiền lãi khá lớn.
Vì vậy, cần biết rằng từ trước đến nay các ngân hàng đều cho phép khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm với lãi suất chỉ cao hơn lãi suất trên sổ tiết kiệm từ 1,5 đến 2%/năm. Do đó, nếu khách hàng có nhu cầu vốn đột xuất thì không nhất thiết phải rút vốn trước hạn, mà có thể vay cầm cố sổ tiết kiệm tại ngân hàng với thời gian vay không được dài hơn thời gian còn lại của sổ tiết kiệm.
GIA LÊ
Doanh nhân Sài Gòn