04:30 PM 20-06-2017- 04:30 PM 20-06-2017 - Lượt xem: 891
Vào hôm thứ 6 vừa qua, Amazon tuyên bố đã mua lại chuỗi cửa hàng nông sản sạch Whole Foods, trị giá 13,7 tỷ USD (khoảng 304 nghìn tỷ đồng). Nhưng vì sao, hãng bán lẻ lớn nhất thế giới lại đột ngột muốn đặt chân vào ngành công nghiệp thực phẩm?
Trong một khoảng thời gian khá dài, Amazon không ngừng đẩy mạnh việc mở rộng kinh doanh sang ngành thực phẩm. Thậm chí, ngay cả khi người tiêu dùng tìm đến mua online quần áo và đồ gia dụng qua mạng thì chuỗi cửa hàng tạp hóa vẫn là một trong những pháo đài cuối cùng mà khách hàng muốn đặt chân tới.
Về cơ bản, Amazon đang lên kế hoạch gây bất ngờ với các công nghệ tinh vi như trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính, điện toán đám mây và hệ thống giao hàng bằng máy bay không người lái. Bạn thử tưởng tượng mà xem, mua hàng ở Whole Foods nhưng không cần đứng chờ trả tiền thì thật tuyệt vời đúng không nào!
Không phải chờ thanh toán đồng nghĩa với không phải đứng xếp hàng
Amazon đã vạch kế hoạch cho việc áp dụng các công nghệ cao để chấm dứt tình trạng đứng chờ “dài cổ” để được thanh toán trong các cửa hàng thực phẩm. Bằng chứng là họ từng thử nghiệm ý tưởng này tại cửa hàng mang tên Amazon Go vào tháng 12 vừa qua.
Theo ý tưởng trên, khách hàng bước vào một cửa hàng thực phẩm, chọn các sản phẩm cần mua và ra về. Không cần đăng ký, không cần kiểm tra, và đặc biệt, họ không cần xếp hàng chờ đợi nhân viên thu ngân tính tiền. Đây thực sự là trải nghiệm trái ngược hoàn toàn với những gì đang diễn ra ở Whole Foods tại thời điểm hiện tại.
Như lời miêu tả của Amazon, thị giác máy tính và công nghệ cảm biến cho phép cửa hàng theo dõi từng vị khách và số hàng hóa họ lựa chọn. Mặc dù vậy, công nghệ này vẫn cần được cải tiến bởi vì những cuộc thử nghiệm gần đây cho thấy, chúng vẫn còn một vài hạn chế.
Tuy vậy, ít nhất Amazon Go đã mang đến khái niệm về những giao dịch thông suốt mà công ty này muốn “trình làng” tại các cửa hàng của mình. Cuối cùng, Amazon chỉ muốn người tiêu dùng cảm thấy dễ dàng hơn khi mua sắm tại siêu thị của họ. Việc này cũng giống như mua hàng bằng một cú nhấp chuột, chỉ khác là ở một cửa hàng ngoài đời thực mà thôi.
Sử dụng thiết bị cầm tay Dash Wand
Để làm được như vậy, công ty này có vẻ cần đến các thiết bị ngoại vi. Chẳng hạn như, thiết bị cầm tay Dash Wand vừa được giới thiệu vào hôm thứ 5 vừa qua sẽ giúp người tiêu dùng xếp hàng hóa vào giỏ khi họ đưa ra các mệnh lệnh bằng giọng nói hoặc tự quét mã vạch trên bao bì sản phẩm.
Thiết bị này có thể sẽ được áp dụng ở các siêu thị của Whole Foods. Sau đó, số hàng hóa bạn mua sẽ được mang đến nhà bạn hoặc bạn có thể tự chở về.
Amazon Echo cũng có tính năng tương tự. Thiết bị này có thể giữ lại một danh sách hàng hóa bạn cần mua và đồng bộ nội dung này trên tất cả các thiết bị khác của Amazon. Tiếp đó, bạn có thể đặt một sản phẩm (như giấy vệ sinh) bằng cách nói qua chiếc loa thông minh của bạn.
Hoặc ấn nút
Tương tự thiết bị Amazon Dash, các nút bấm tinh tế cũng cho phép người tiêu dùng mua nhiều hàng hóa hơn chỉ bằng một nút bấm. Điểm nổi bật của những thiết bị đó là chúng sẽ đồng bộ danh sách mua sắm của bạn và cuối cùng giúp bạn thanh toán với Amazon.
Điều hay nhất ở các cửa hàng của Amazon là bạn có thể quên nhiệm vụ phải đứng xếp hàng, chờ tới lượt mình để thanh toán.
Vận chuyển thực phẩm bằng máy bay không người lái
Vào năm 2013, Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos đã giới thiệu máy bay không người lái, làm nhiệm vụ giao hàng trong một cuộc phỏng vấn nổi tiếng của chương trình 60 Minutes. Giờ đây, viễn cảnh loại máy bay này sẽ được sử dụng tại hơn 400 cửa hàng của Whole Foods trên khắp nước Mỹ không còn là chuyện xa vời.
Triển khai máy bay không người lái tại một cửa hàng nào đó của Whole Foods sẽ làm cho việc giao hàng diễn ra nhanh chóng hơn và giải quyết điểm yếu lớn nhất của phương tiện vận tải này. Đó là chúng không thể di chuyển trên quãng đường quá xa. Trong lần ra mắt thành công đầu tiên, máy bay không người lái của Amazon chỉ có thể đi được 2 dặm (khoảng 3,2 km). Điều này sẽ không còn là vấn đề gây rắc rối vì Whole Foods có hệ thống cửa hàng trải đều khắp nơi trên đất Mỹ.
Nói tóm lại, tất cả các công nghệ sẽ được dùng để cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Chẳng hạn, nếu bạn thích bánh pizza, cửa hàng có thể tặng bạn một số phiếu giảm giá tại cửa hàng hoặc thậm chí gửi thông báo đến điện thoại của bạn.
Sau cùng, Amazon vẫn là một công ty dữ liệu và việc mua lại Whole Foods lần này dường như là để thu thập thêm thông tin về thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Phòng trưng bày
Trong tương lai xa, việc các cửa hàng của Whole Foods sẽ trở thành nơi trưng bày hàng hóa là chuyện đương nhiên, tương tự như các hiệu sách của Amazon Books. Dòng người nối dài xếp hàng tại Whole Foods sẽ không còn nữa và việc mua hàng hóa sẽ trở nên tiện lợi hơn. Và trên tất cả, Amazon đang xây dựng một hồ sơ chi tiết những món hàng bạn muốn mua.
Điều này có thể làm bạn sởn gai ốc. Nhưng chúng ta sẵn sàng hy sinh một chút quyền riêng tư để chấm dứt việc phải đứng xếp hàng cả giờ đồng hồ tại Whole Foods.
Minh Phương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế/Mashable