09:00 AM 10-06-2017- 09:00 AM 10-06-2017 - Lượt xem: 847
Phát biểu tại hội trường thảo luận sáng nay, Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh đoàn Long An cho biết bên cạnh các giải pháp của Chính phủ và Ủy ban kinh tế quốc hội, ông cũng đề xuất thêm một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đầu tiên là cần đẩy nhanh tiến độ vốn đầu tư trước hết là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Theo báo cáo tình hình giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2017 còn chậm. Ước giải ngân đến hết tháng 5 năm 2017 chỉ đạt 25% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương 21,4% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Đáng chú ý có là nhiều bộ ngành địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Và nhất là 13/44 bộ ngành địa phương trung ương chưa giải ngân kế hoạch.
"Vì vậy vấn đề vướng mắc ở đâu, nguyên nhân nằm ở kế hoạch phân bổ vốn, thẩm định, do thiếu văn bản hướng dẫn hay do khâu tổ chức thực hiện. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt làm rõ nguyên nhân và có chế tài xử lý các bộ ngành địa phương trong việc thực hiện giải ngân nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đã đề ra", ông Đỉnh đặt câu hỏi.
Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh đoàn Long An.
Đại biểu này đề nghị đánh giá đầy đủ những vướng mắc của vấn đề này và xử lý tháo gỡ ngay trong 6 tháng cuối năm, tập trung giải ngân đầu tư mạnh vào những tháng cuối năm 2017. Việc thực hiện các giải pháp quyết liệt tinh giản bộ máy, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, nâng cao chất lượng các công trình sẽ góp phần rất lớn trong việc huy động nguồn lực đầu tư.
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước thì cần tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện triển khai đẩy nhanh tiến độ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã cam kết đăng ký.
Phải có chính sách ưu đãi kiều hối không kém FDI
Vấn đề thứ 2 là cần thực hiện đồng bộ liên kết huy động các nguồn lực trong dân vào sản xuất kinh doanh đặc biệt là từ kiều hối. Trong điều kiện huy động nguồn lực còn hạn chế như hiện nay thì việc huy động nguồn lực trong dân cho sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là vấn đề cấp thiết. Dù biết việc huy động tiền, vàng trong dân không phải là vấn đề mới và đã được đề cập nhiều năm nhưng việc triển khai còn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau.
Đại biểu đoàn Long An đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ đã có tầm nhìn huy động nguồn lực trong dân vào sản xuất kinh doanh thay vì đem tiền, vàng gửi vào ngân hàng. Theo ông để việc huy động nguồn lực trong dân chúng ta cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô đặc biệt cần kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin mạnh mẽ cho người dân, nhà đầu tư. Việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách hành chính tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khởi nghiệp. Cùng với việc này ông kiến nghị Chính phủ sớm mở rộng việc hình thành các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, cải cách hoàn thiện bộ máy, xây dựng cán bộ tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, tinh thần cống hiến, phục vụ.
Về thu hút kiều hối, theo thống kê của Ngân hàng thế giới cập nhật vào tháng 6/2017, lượng kiều hối của Việt Nam năm 2015 là 13,2 tỷ USD chưa kể kiều hồi phi chính thức khoảng ¼ lượng kiều hồi chính thức và kiều hối đứng thứ 2 sau thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI nguồn ngoại tệ vào Việt Nam. Vấn đề đặt ra là kiều hối được sử dụng như thế nào?
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế trung ương, trên phạm vi cả nước trong những năm gần đây 35,4% kiều hối sử dụng tiêu dùng hàng ngày, 15,9% cho đầu tư kinh doanh, 10,1% cho chữa bệnh, 7,5% được giữ trong dân. Tại Tp.HCM, số liệu năm 2014 cho thấy 72% lượng kiều hồi được dùng cho sản xuất kinh doanh.
"Từ chỗ trước đây kiều hối gửi về để giúp đỡ thân nhân thì nay kiều hối được chuyển sang góp vốn kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho đất nước. Vì vậy phải xem kiều hối là nguồn tài chính hùng hậu có thể giúp đất nước phát triển, đầu tư hạ tầng giao thông, có vai trò rất lớn trong sức mua người dân. Một nguồn thu nhập của người này tạo ra thu nhập cho người khác nếu họ chi tiêu. Điều này rất quan trọng và có ý nghĩa chúng ta không nên bỏ qua. Do đó chúng ta phải có giải pháp mạnh mẽ cho người dân tin tưởng, tôi đề nghị phải có chính sách ưu đãi kiều hối không kém đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI", đại biểu Lê Công Đỉnh nhấn mạnh.
Đồng thời phải có chính sách ứng xử với Việt kiều như thế nào cho phù hợp, tạo được lòng tin, làm sao bảo vệ được lợi ích cho người gửi và người nhận kiều hối. Họ có thể yên tâm đầu tư nhiều kênh phù hợp với họ. Làm sao để người dân thấy thay vì gửi tiết kiệm vào ngân hàng thì đầu tư vào sản xuất kinh doanh hay hợp sức nhau để mở rộng sản xuất hoặc mua cổ phiếu. Tạo ra kênh đầu tư hiệu quả để họ tái đầu tư.
Vấn đề cuối cùng được ông đề xuất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cùng với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút có chọn lọc các dự án và các nhà đầu tư thực sự có tâm huyết và năng lực.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Và gần đây là các cuộc gặp, đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng theo tôi trong tình hình hiện nay như thế là chưa đủ", ông Đỉnh trăn trở.
Ông kiến nghị Chính phủ thành lập các đoàn, tổ công tác phối hợp với địa phương do thành viên trung ương làm trưởng đoàn tổ chức thăm hỏi, làm việc lưu ý ở đây không phải là kiểm tra hành chính để gặp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp chế biến chế tạo để kịp thời lắng nghe, động viên thực chất, giải quyết khó khăn cụ thể của doanh nghiệp để tăng sản lượng, tăng hợp đồng.
Hiện tại chỉ có các đoàn của địa phương, khi có vướng mắc thì các bộ ngành trung ương chưa kịp thời tháo gỡ nhất là trong giai đoạn hiện nay công nghiệp chế biến chế tạo sụt giảm. Điều này rất quan trọng trong việc thể hiện rõ nét Chính phủ hành động.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ