09:52 AM 30-06-2017- 09:52 AM 30-06-2017 - Lượt xem: 946
Có thâm niên bán hàng online gần 3 năm nay, chị Nguyễn Thu Hương (Ba Đình, Hà Nội) đang lo lắng khi các hãng thời trang quốc tế ngày càng mở rộng vào Việt Nam. Những người chuyên đặt hàng từ nước ngoài về như chị có thể bị ảnh hưởng rất lớn.
Chị Hương dẫn chứng, sản phẩm quần áo thời trang Zara luôn được chị em ưu chuộng do giá thành rẻ và luôn hợp mốt. Trước khi Zara vào Việt Nam, trong đơn hàng của chị lúc nào Zara cũng đứng đầu từ quần, áo, váy,... nhưng hiện nay, số lượng đơn hàng đã giảm nhiều. Mối quen đặt hàng từ TP.HCM đã không còn, trong khi đó, người Hà Nội cũng ít mua hơn do họ có thể đặt online từ cửa hàng tại TP.HCM.
Người Việt không còn phải xuất ngoại mua quần áo
Bên cạnh đó, chị Hương cũng lo lắng về tâm lý khách hàng: “Khi nhiều thương hiệu chưa có ở Việt Nam, người mua sẽ cảm thấy thích thú và muốn săn cho bằng được, còn khi đã có ở Việt Nam rồi, giá trị ở “độc - lạ - khó mua” sẽ không còn, khách hàng sẽ thích mua trực tiếp hơn để thử và chọn lựa”.Lý giải về điều này, chị Hương cho biết, nhiều sản phẩm Zara trong nước có mức giá rẻ hơn so với đặt từ Thái hay Singapore. Đơn cử, một chiếc váy nếu mua ở TP.HCM chỉ mất 800.000 đồng thì đặt từ Bangkok về có giá hơn 1,3 triệu đồng do giá niêm yết ở thị trường Thái Lan cao hơn.
Theo nhận định của chị, sắp tới Uniqlo (Nhật Bản), H&M (Thụy Điển) mở cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam những người chuyên hàng online như chị sẽ có nguy cơ hết cửa làm ăn.
Chuyên bán hàng thời trang nhập từ Nhật về, chị Nguyễn Mai Trang cho biết, mỗi đơn hàng chị kiếm được vài chục nghìn tiền công đặt và phí ship. Khi các thương hiệu này có mặt tại Việt Nam, khách hàng sẽ không còn phải đặt qua kênh của chị, từ đó doanh thu sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Để đa dạng mặt hàng, chị sẽ kinh doanh thêm hàng mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em... tìm thị trường “ngách” để tồn tại.
Dân buôn thời trang online lo hết cửa làm ăn
Không quá lo lắng trước việc các thương hiệu thời trang vào Việt Nam, chị Đỗ Thu Hằng - chuyên hàng thời trang Anh - cho rằng, hàng đặt mua từ website nước ngoài thường có nhiều mẫu mã mới và đa dạng hơn, nên chị Hằng vẫn có một lượng khách riêng.Mặc dù vậy, chị Trang cho rằng, nhiều thời điểm, hàng đặt từ nước ngoài về rẻ hơn so với những sản phẩm trong nước. Một chiếc áo phông, sơ mi nam hàng Nhật chỉ khoảng 300.000 đồng về tới Việt Nam vẫn còn rẻ hơn so với mua hàng trong nước. Nên chị Trang sẽ săn tìm các chương trình bán hàng giảm giá từ nước ngoài để giữ chân khách hàng.
“Mình chuyên dòng thời trang cao cấp, hàng Anh tuy đắt hơn so với nước khác nhưng vẫn có một bộ phận chị em sành điệu lựa chọn. Ở nước ngoài, Zara hay H&M đều là hàng bình dân nhưng không hiểu sao về Việt Nam lại hot như vậy”, chị Hằng chia sẻ.
Ngoài việc lựa chọn những dòng sản phẩm thời trang riêng để kinh doanh online, các chủ cửa hàng cũng đẩy mạnh quảng cáo. Chị Hằng cho hay thời gian gần đây, chị chạy quảng cáo facebook liên tục để có thêm nguồn khách, đồng thời giảm giá cho những mặt hàng còn tồn đọng.
Có thể nói, việc các thương hiệu thời trang vào Việt Nam sẽ khiến cho dân kinh doanh xách tay gặp khó. Đây là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi khi Việt Nam hội nhập.
Các chủ cửa hàng không còn cách nào khác là phải thay đổi phương thức và sản phẩm kinh doanh. Khách hàng sẽ là người được hưởng lợi khi có cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa hàng chính hãng và xách tay.
Nam Hải
Vietnamnet