09:28 AM 19-06-2017- 09:28 AM 19-06-2017 - Lượt xem: 838
Trên sàn niêm yết, tâm điểm đầu tháng 6 vừa qua, cổ phiếu EIB của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có loạt phiên giao dịch thỏa thuận quy mô lớn, điển hình như phiên 8/6 lên tới 53 triệu cổ phiếu.
Mang tính thời điểm, trong đợt giao dịch của các quỹ ETF ngày 16/6, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng bùng nổ khối lượng, trong đó có hơn 13,2 triệu đơn vị được khối nhà đầu tư nước ngoài mua vào (cùng hơn 7,4 triệu đơn vị khối này bán ra).
Cả EIB và STB đã có đà tăng giá mạnh từ đầu năm đến nay, cùng để lại sau lưng quãng nằm dưới mệnh giá trong năm 2016. Trong đó, STB có tốc độ tăng rất mạnh, từ mức 7.400 đồng/cổ phiếu lên 14.000 đồng/cổ phiếu, gần gấp đôi trong vòng một năm qua.
Ngoài diễn biến giao dịch đầu tư thông thường trên thị trường, cùng với việc thay đổi cơ cấu cổ đông, giao dịch cổ phiếu ngân hàng hiện nay còn gắn với những nhu cầu và yếu tố nội tại. Và tất cả đang chọn thời điểm thị trường sôi động và giá cổ phiếu khởi sắc.
Cuối tuần qua, thị trường chú ý với thông tin Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lên kế hoạch mua lại lượng lớn cổ phiếu quỹ, hơn 221 triệu cổ phiếu, dự kiến tương ứng với hơn 5.200 tỷ đồng. Kế hoạch này đi cùng với dự kiến HSBC thoái vốn.
Từ năm 2005, HSBC trở thành cổ đông chiến lược của Techcombank, với tỷ lệ sở hữu ban đầu 10% và sau đó nâng lên gần 20%. Từ năm 2012, HSBC đã không còn tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành tại ngân hàng đối tác này. Nguyên do, cũng như một phần liên quan đến việc thoái vốn trên, nhà đầu tư nước ngoài này đã có và đang vận hành ngân hàng con 100% vốn nước ngoài của mình tại Việt Nam.
Chỉ trong nửa đầu tháng này, một loạt giao dịch lớn cùng nhiều kế hoạch chuyển nhượng
cổ phiếu ngân hàng đã xuất hiện.
Cũng từ đầu tháng 6 này, sau những thay đổi nhân sự cao cấp, cổ phiếu Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có thời điểm tăng giá tới trên 50%. Ngay sau đó, một loạt lãnh đạo và người có liên quan thông báo bán ra.
Hoạt động bán ra cổ phiếu tại LienVietPostBank được cân đối với thông tin ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc có kế hoạch mua vào thêm 5 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ nắm giữ.
Ở một thông tin giải thích khác, hoạt động bán ra đó gắn với những cơ cấu sở hữu cục bộ, cả nhu cầu cân đối nguồn cá nhân để chuẩn bị tham gia hai đợt phát hành tăng vốn tại LienVietPostBank: phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.
Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, từ đợt tăng vốn sắp tới, chủ trương mới đặt ra: đây sẽ là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam có toàn bộ cán bộ nhân viên đều sở hữu cổ phần ngân hàng mình. Lý do, chủ trương này để mỗi cán bộ nhân viên đều có trách nhiệm chăm lo cho chính “nồi cơm” của mình.
Ngoài ra, dự kiến trong quý 3/2017, LienVietPostBank sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM. Đây cũng là sàn giao dịch đã và đang thu hút các ngân hàng thương mại tham gia, sau rất nhiều năm trì hoãn việc niêm yết cổ phiếu.
Trong loạt giao dịch trên, khoảng lặng vẫn nằm riêng ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối.
Cho đến nay, dù đã tính toán các phương án phát hành, tổ chức giao dịch riêng lẻ hoặc qua trái phiếu chuyển đổi…, nhưng cả Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Công thương (VietinBank) và chưa thể nhập cuộc sự sôi động trên để thu hút cổ đông lớn mới và tăng vốn.
Triển vọng lớn nhất tại Vietcombank đặt ở kế hoạch bán cổ phần lô lớn cho nhà đầu tư GIC của Singapore. Tuy nhiên, sau gần một năm và cho đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ một chuyển biến nào về phương án được lựa chọn và phê duyệt, để có thể triển khai.
Nguyên Hồng