12:47 PM 03-06-2017- 12:47 PM 03-06-2017 - Lượt xem: 836
Câu ca dao nhắc đến trà mạn hảo, một đặc sản cao cấp mà suốt hơn trăm năm qua, nhiều người yêu trà vẫn tiếc nuối vì đã thất truyền. Mãi đến cuối năm 2012, mạn hảo cùng nhiều loại trà quý khác mới xuất hiện trở lại nhờ tâm huyết của một doanh nhân sinh ra trong gia đình có truyền thống làm trà. Đó là Trần Lê Trung - Giám đốc Công ty cổ phần Trà Bách Shan Hà Giang (Bashtea).
Dày công phục hồi trà cổ
Trong vòng mấy năm qua, hơn 20 sản phẩm trà cổ truyền Việt Nam đã trở lại với những người yêu trà, đó là: mạn hảo, hồng trà Bách Shan, pái hảo, trà chốt, bạch mao, bạch hồng, bách tỉnh…
Các loại trà đắt tiền này có nguyên liệu được hái từ những cây trà shan cổ thụ ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang và được sản xuất thủ công trong xưởng trà Mạn Hảo (Công ty Bashtea) thuộc làng Binh, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy cùng trong huyện. Xưởng trà nằm trong một “làng trà” đầy đủ khu chế biến trà, khu thưởng thức trà, khu nghỉ dưỡng…
Trần Lê Trung (43 tuổi) – chủ nhân của Bashtea sinh ra và lớn lên ở thị xã Hà Giang trong một gia đình làm trà nhưng đến cuối năm 2012, anh mới bắt đầu kế hoạch phục hồi các danh trà cổ. Nguyên nhân là cha vợ của anh – ông Ngô Viết Thành – chủ nhân thương hiệu trà shan tuyết Thành Sơn, người đam mê và tâm huyết phát triển thương hiệu những vùng trà cổ thụ Hà Giang, quyết định nghỉ hưu.
Tiếc những giá trị lớn của trà cổ không được quan tâm đúng mức, Trần Lê Trung quyết định dốc hết tâm huyết vào các dòng trà đã hoặc đang dần thất truyền.
“Phải khơi được dòng văn hóa của trà Việt Nam thì sản phẩm mới có giá trị so sánh”. Nghĩ vậy, Trung lục lọi tìm đọc các tài liệu xưa thì thấy sách cổ nhắc nhiều đến trà mạn hảo. Trà này có nguyên liệu hái từ trà shan được trồng và khai thác quảng canh, kiểu trà rừng. Trà mạn hảo có màu nước đỏ và vị dịu mát thuần hòa, không chát như trà lục, ít kích thích do hàm lượng caffeine thấp.
Tài liệu để lại của Lefèvre Pontalis – nhà thám hiểm người Pháp về chuyến đi khảo sát ngành sản xuất và chế biến trà vùng núi phía Bắc năm 1882 cũng tiết lộ về một loại trà quý hiếm: Hằng năm vào đầu mùa mưa, người ta hái dâng hoàng đế những búp trà, gồm toàn những búp non và nhỏ nhất. Loại trà cao cấp này không bán ngoài thị trường… và ai cũng cố giữ lại cho mình một phần nhỏ, mặc dù có nguy cơ bị tố cáo hay trừng trị nặng nề. Tôi đã trông thấy một nắm trà loại này trong tay một người Trung Quốc… Loại trà màu trắng ngà này, bao gồm những cánh trà rất nhỏ và xoăn…
Từ những thông tin quý giá ấy mà tháng 9/2012, ngay khi tiếp cận vùng trà shan tuyết cổ thụ của người Dao đỏ ở xã Thượng Sơn, Lê Trung đã đề ra chiến lược kinh doanh hướng đến phân khúc thị trường cao cấp bằng cách tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ hiện đại nhằm sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao. Muốn vậy phải có nguồn nguyên liệu ổn định chất lượng tốt, thế nên anh liên kết với nông dân trồng trà nhằm hỗ trợ kỹ thuật, đặt hàng thu hái…
Để có nguồn nguyên liệu đầu vào chế biến trà thượng hạng, công ty thu mua với giá từ 37.000 đồng/kg đến 80.000 đồng/kg, gấp từ 3,5 đến 8 lần giá bình thường. Được bao tiêu sản phẩm và nâng cao thu nhập nên người dân phấn khởi, từng bước thay đổi quan niệm thu hái, chăm sóc rừng trà.
Lê Trung còn lặn lội sang các vùng trà Sipsong Panna, Phổ Nhĩ… tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đi đâu anh cũng chú ý ghi nhớ từng tiểu tiết, giao lưu học hỏi để đặt quan hệ hợp tác làm ăn. Cơ duyên đưa anh gặp những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và tâm huyết, và học hỏi được nhiều bí quyết quý giá.
Ông Từ Quốc An (Công ty TNHH Trà Phú Thành, Đài Loan) - một chuyên gia công nghệ chế biến trà cho Lê Trung biết thông tin quan trọng: Hằng năm Việt Nam xuất khẩu 30 ngàn tấn trà sang Đài Loan nhưng trong đó, sản lượng của Hà Giang chiếm rất ít, giá lại không cao. Nguyên nhân là do trà Hà Giang có vị chát, trong khi người nước ngoài thường uống trà vị ngọt. Vì vậy muốn tiếp cận được các thị trường quốc tế, người làm trà phải áp dụng công nghệ sấy có tính năng khử bớt vị chát.
Quy mô lớn – Sản lượng thấp – Chất lượng cao
Hà Giang hiện có hơn 20.000ha trà shan tuyết loại lá to và lá nhỏ, do hàng vạn người dân tộc H’Mông, Dao, Tày… chăm sóc, khai thác. Vùng nguyên liệu của Bashtea là những cây trà từ 100 năm tuổi trở lên, mọc ở độ cao từ 1.500 mét đến 2.419 mét so với mực nước biển. Công ty đã sản xuất được hơn 20 loại trà cao cấp; có loại trà trắng phau, có loại màu vàng ruộm hoặc đen nhánh; cái cọng rời, cái đóng bánh, cái dạng bột, cái dạng viên; có loại thơm mùi bắp non, mùi mật ong, mùi gạo rang, mùi ô mai; có loại vị chát đậm, có loại vị ngọt thanh. Giá loại thấp nhất cũng vài ba triệu đồng một kg.
Ấn tượng nhất là trà pái hảo pha đến nước thứ 10 mà nước và hương vẫn thơm, vị ngọt mát, bã được giữ gần như nguyên vẹn với 5 màu sắc khác nhau.
Mới nhất, với thiết bị chế biến và áp dụng một phần kỹ thuật chế biến trà ôlong Đài Loan, Bashtea đã sản xuất ra lục trà Bách Shan – sản phẩm trà xanh ít chát. Với hương thơm đặc trưng hoa trà shan tuyết, nước và bã trà có màu xanh lục. Cùng với vị ngọt nơi đầu lưỡi, vị chát nặng của trà shan giảm rất nhiều, lá và búp trà gần như được giữ nguyên sau khi pha. Đây là một bước đột phá của Bashtea nhằm chinh phục thị trường phương Tây - nơi khách hàng vốn rất sợ chất chát (tannin) của trà Việt Nam, đặc biệt là trà shan tuyết cổ thụ.
Hay biết cây trà búp tím được người Nhật Bản và Trung Quốc rất yêu thích vì ngon, lạ và đặc biệt là có chất chống tia phóng xạ thì Bashtea đã tìm được những cây trà shan búp tím hơn 500 tuổi trên đỉnh Tây Côn Lĩnh để hái về chế biến thành trà đại hồng shan.
“Trà này cây đỏ, lá đỏ, bã đỏ, thơm mùi mật ong rừng, ngọt ngào nơi đầu lưỡi, lưu sâu nơi cuống họng, nước lại xanh ngọc, chuyển hồng ngọc theo các lần pha”, Lê Trung tự hào.
Các sản phẩm của Bashtea đã được người tiêu dùng trong nước, châu Á, châu Âu, châu Mỹ… đón nhận. Không chỉ vậy, sản phẩm còn được tiêu thụ tại những thủ phủ trà thế giới như Bắc Kinh, Hong Kong, Đài Loan với giá cao nhất lên đến 12 triệu đồng/kg, xóa bỏ định kiến trà Việt Nam là hàng rẻ tiền.
Theo Lê Trung, tiêu chí của Bashtea là quy mô lớn, sản lượng thấp, chất lượng cao, giá hợp lý. Một mẻ trà chưa đạt chuẩn sẽ bị chính tay anh đổ bỏ hết, chứ không để làm sản phẩm loại 2. Đầu tư vào các đặc sản cao cấp không thể sốt ruột hoặc đặt sản lượng lên trên số lượng.
Nhìn sang thị trường trà quý ở các nước xung quanh có thể thấy nhiều bài học kinh nghiệm. Chẳng hạn một gram trà đại hồng bào (sản xuất ở núi Vũ Di, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) có giá 1.400 USD, đắt gấp 30 lần so với vàng. Thế nên chuyên tâm làm trà đặc sản rồi quảng bá tốt thì vừa nhàn vừa lợi, hơn là làm cho nhiều rồi bán đổ bán tháo!