09:13 AM 18-07-2017- 09:13 AM 18-07-2017 - Lượt xem: 1459
Từ đầu năm đến nay, các hãng đã liên tục giảm giá nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước. Gần đây nhất, Thaco đã giảm giá các dòng xe Mazda, Kia... trong đó, Mazda6 - một trong những mẫu xe bán chạy nhất của thương hiệu này đã giảm đến 170 triệu đồng, còn 840 triệu đồng/chiếc. Tương tự, Honda Việt Nam giảm giá đến 150 triệu đồng cho dòng xe Honda CR-V, Nissan giảm 125 triệu đồng cho mẫu xe X-Trail, Toyota giảm 90 triệu đồng đối với dòng xe Camry...
Không chỉ giảm giá bán, các hãng cũng đua nhau tung ra các chương trình khuyến mãi mà giải thưởng chính là các dòng xe đắt tiền đang được hãng kinh doanh. Theo các chuyên gia, hiện nay, giá các dòng xe phổ biến trên thị trường đã giảm đáng kể, ngang ngửa với mức trung bình trong khu vực.
Khó giảm tiếp
Theo ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam, rất khó để có xe giá rẻ như nhiều người kỳ vọng vì hiện nay, nhiều dòng xe đã giảm giá khá sâu so với trước nên khó có điều kiện để giảm hơn nữa.
Theo tính toán của các nhà kinh doanh, với mức giảm 10% thuế nhập khẩu như vừa qua, giá xe chỉ giảm từ 5 - 7%. Thế nhưng trên thực tế, nhiều mẫu xe đã giảm 10 - 15%, giảm giá gấp đôi so với mức giảm thuế mang lại. Đó là chưa kể giá xe bán ra phụ thuộc nhiều vào thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp, mà những loại thuế này đang có khả năng được Bộ Tài chính điều chỉnh.
Trong Dự thảo Nghị định Quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, Bộ Công Thương một mặt hạn chế ô tô nhập khẩu, mặt khác thể hiện rõ tinh thần hỗ trợ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Cụ thể, Bộ đề nghị áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp đối với xe có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao (cụ thể là không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước), điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn, không phân biệt địa bàn đầu tư...
Ngoài ra, Nghị định 140/2016/NĐ-CP về phí trước bạ quy định, các địa phương có thể tăng phí trước bạ từ 10% như hiện nay lên mức 15% vào năm 2018. Đối với Hà Nội và TP.HCM, phí trước bạ sẽ lên 17 - 18% thay vì 12% như hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã có ý định sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để hạn chế xe nhập nguyên chiếc từ khu vực ASEAN tràn vào.
Một yếu tố không kém quan trọng khiến giá xe có thể khó giảm là hiện nay, hầu như các liên doanh ô tô đều vừa nhập khẩu các thương hiệu mà doanh nghiệp đang lắp ráp trong nước, vừa trực tiếp lắp ráp. Vì thế, các doanh nghiệp sẽ rất cẩn trọng trong việc chọn lựa nhập khẩu các dòng xe để tránh "đụng hàng" với sản phẩm lắp ráp trong nước.
Với hàng loạt yếu tố vừa nêu, các nhà phân tích cho rằng, năm 2018 cho dù thuế nhập khẩu có giảm về 0% thì giá xe nhập cũng sẽ khó giảm mạnh.
Gánh nặng thuế - phí
Theo chia sẻ của một nhà kinh doanh xe khá lớn tại TP.HCM, hiện nay một chiếc ô tô phải chịu ba loại thuế: nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và khi lưu hành còn chịu thêm thuế trước bạ, phí đăng kiểm, phí đường bộ.
Với các loại thuế - phí này, một chiếc ô tô dòng phổ thông có giá từ 500 - 600 triệu đồng/chiếc, khi thuế nhập khẩu giảm 10% thì giá bán chỉ giảm 20 triệu đồng/chiếc. Nếu thuế nhập khẩu về 0% thì giá bán sẽ giảm tiếp 20% nữa.
Cuối năm 2015, Toyota từng cân nhắc việc ngưng sản xuất ô tô tại Việt Nam hay nhập khẩu hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN. Ông Yoshihisa Maruta - Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam khi đó cho rằng, nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, gỡ ra rồi lắp lại. Vì thế, việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là một vấn đề lớn. Toyota Việt Nam cũng như các nhà sản xuất khác trong VAMA đều phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu.Đó là lý thuyết, còn trên thực tế giá bán xe phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách của nhà nước mà những chính sách này - theo các nhà kinh doanh là rất khó đoán! Chính vì vậy, để tồn tại, các hãng đã phải xây dựng những phương án riêng.
Cụ thể, Toyota quy hoạch lại các dòng xe, chỉ sản xuất những dòng có sức tiêu thụ cao và nhập khẩu những mẫu còn lại. Các hãng Honda, Ford cũng cho biết đang tính toán để thu hẹp danh mục xe lắp ráp trong nước xuống còn 2 - 3 mẫu để tập trung cho việc tăng sản lượng.Và đến thời điểm hiện tại, tuy không ngừng sản xuất như đã từng cân nhắc nhưng hầu hết các hãng đều đã thay đổi chiến thuật kinh doanh theo hướng mở rộng danh mục sản phẩm nhập khẩu.
Trong khi các doanh nghiệp khác tăng cường lượng xe nhập thì Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) lại đề ra chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó sản xuất ô tô là ngành nghề chính có quy mô và từng bước cạnh tranh được trong khu vực. Điều này đã được hiện thực hóa bằng việc đầu tư xây dựng nhà máy mới cho dòng xe thương hiệu Mazda
Nhà máy Thaco Mazda khởi công xây dựng hồi tháng 3 năm nay với vốn đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng và dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 4/2018. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, đây là hình mẫu cho các chiến lược dự án đầu tư mới của Thaco trong giai đoạn mới. Bên cạnh sản xuất ô tô, Thaco sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đặc biệt cho dòng xe con với mức phấn đấu đạt 40% để có thể tiến đến xuất khẩu ngược sang các nước trong khu vực ASEAN.
Và dù tăng sản lượng thì xe trong nước cũng khó mà hạ giá. Bởi, giá xe ô tô trong nước được cấu thành từ chi phí nhập khẩu linh kiện, chi phí vận tải, lắp ráp, quản lý, bán hàng, các loại thuế phí và lợi nhuận của doanh nghiệp... Thời gian qua, để giảm giá bán, các doanh nghiệp đã phải cắt giảm chi phí quản lý, bán hàng, lợi nhuận...
Vì thế, đến năm 2018, các dòng xe lắp ráp trong nước chỉ có thể giảm giá khi nhận được những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.