11:03 AM 05-06-2017- 11:03 AM 05-06-2017 - Lượt xem: 797
Nghiên cứu của PGS-TS. Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore chỉ ra, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong nỗ lực phát triển kinh tế trong ba thập kỷ đổi mới. Thành tích tăng trưởng ấn tượng dựa trên ba cải cách nền tảng: chấp nhận kinh tế thị trường, mở cửa thúc đẩy thương mại quốc tế và hội nhập, khuyến khích đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam không chỉ phát triển chưa xứng tầm mà còn có nguy cơ suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thách thức này là sự suy giảm năng suất lao động mà cội nguồn là sự tăng trưởng rất yếu của TFP, chỉ tiêu đo lường năng suất của lao động và vốn trong nền kinh tế.
TFP phản ánh sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, qua đó sự gia tăng đầu ra không chỉ phụ thuộc vào số lượng tăng thêm của đầu vào (phương thức truyền thống) mà còn tùy thuộc vào chất lượng các yếu tố đầu vào là lao động và vốn.
Cũng theo PGS-TS. Khương, một trong những động lực then chốt của tăng năng suất lao động là đổi mới sáng tạo, nắm bắt công nghệ và nâng cấp khả năng hấp thụ khoa học công nghệ trong doanh nghiệp. Điều này khiến nhu cầu về nhân sự có chuyên môn ngày càng tăng và doanh nghiệp nào quản trị nhân sự tốt sẽ có nhiều cơ hội thành công. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên phát triển các khu vực thương mại tự do, thu hút và giữ chân nhân sự có chuyên môn sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài được cho là có ưu thế cạnh tranh với mức lương và môi trường làm việc hấp dẫn người lao động.
Nhận định về vấn đề này, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải cho rằng, bản chất của việc ứng dụng công nghệ chính là phương thức quản lý mới, cách thức nhìn nhận và làm ăn mới. Trong đó, cách nhìn nhận mới trong chiến lược nhân sự chính là người điều hành phải là người làm việc hiệu quả nhất. "Để tăng năng suất, người lãnh đạo phải làm việc hiệu quả hơn, hoặc tìm ra cách tăng năng suất dựa trên những gì doanh nghiệp có. Mới không đồng nghĩa với thế giới làm gì ta làm nấy", ông Dương nói.
Theo ông Dương, quản lý trong kinh doanh cũng giống như việc nấu phở thời hiện đại. Có một công thức nấu phở phổ biến, đại trà ở trên mạng nhưng không phải ai cũng nấu ra món phở ngon. Bí kíp không nằm trong công thức mà nằm trong tay những người nấu phở. Lý giải điều này, ông Dương cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam "to nhưng chưa hẳn đã lớn". Doanh nghiệp to, tài sản nhiều nhưng chưa có được dây chuyền quản lý ứng dụng công nghệ cao, chưa xây dựng được thương hiệu toàn cầu và chưa có hệ thống phân phối tốt, nhưng vẫn đi thuê nhân sự cấp cao bên ngoài để có nguồn nhân lực chất lượng cao bằng mọi giá.
Ông Dương cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp chủ trương thuê nhân sự cấp cao, trao quyền cho họ và hy vọng công ty sẽ phát triển. "Một chủ doanh nghiệp tôi quen biết thuê một người Thụy Điển về làm quản lý và giao phó toàn bộ công việc cho ông ấy, còn anh ta chỉ việc tận hưởng sự sung sướng của một người thuê nhân sự khi không phải làm gì. Nhưng sau đó, khi ông Thụy Điển về nước, ông chủ ấy khốn khổ 12 năm để học và làm lại mọi thứ. Nếu chủ doanh nghiệp quá ỷ lại vào nhân viên mà lại kỳ vọng doanh nghiệp phát triển nhanh thì là điều không tưởng", ông Dương kể và nhận xét. Theo ông Dương, môi trường kinh doanh cũng như xã hội đang rất cần tấm gương là hình mẫu thể hiện tinh thần cống hiến cho công việc qua cách ứng xử, cách sống. Và xã hội cần được định hướng thông qua những tấm gương cụ thể.
Trên thực tế, đổi mới công nghệ phải tùy thuộc vào đặc trưng của công ty, tùy vào từng giai đoạn phát triển khác nhau và nhân sự phải là người hiểu về công ty hơn bất cứ ai khác. Chính vì vậy, người quản lý phải có quá trình làm việc, phát triển gắn liền với sự phát triển của công ty. Việc sử dụng nguồn nhân lực chuyên môn cao thuê ngoài để xây dựng chiến lược phát triển chỉ phát huy tác dụng khi công ty đã xây dựng được một hệ thống quản lý và hoạt động bài bản, dây chuyền công nghệ quản lý đạt mức độ chuyên môn hóa nhất định.