03:51 PM 15-06-2017- 03:51 PM 15-06-2017 - Lượt xem: 777
Nhiều ngân hàng "khấp khởi" báo lãi lớn
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, thực hiện 41% kế hoạch năm. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ đạt 1.730 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Ở nhóm ngân hàng tái cơ cấu, Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) cũng đang có sự phục hồi. Tính riêng tháng 5 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 102 tỷ đồng, nâng lũy kế 5 tháng lên 404 tỷ đồng, bằng 89,8% kế hoạch cả năm đề ra trong đề án đã được NHNN duyệt. Trong cơ cấu doanh thu thì thu nhập từ lãi vẫn chiếm lớn nhất với gần 67% tổng thu nhập.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng hé mở kết quả kinh doanh khởi sắc. Tại cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, sau nửa đầu năm, tổng tài sản của ngân hàng đã tăng trên 110 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn đều đạt khoảng 10%, nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức thấp.
Lãnh đạo TPBank cũng cho biết, dự kiến kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 500 tỷ đồng. Với kết quả dự kiến trên, TPBank đã hoàn thành 64% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ - ngân hàng xin nới "room"
Tại BIDV, tính đến hết 31/5, tổng tài sản của ngân hàng đạt xấp xỉ 1.048 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 788,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9%. Trong đó dư nợ phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 9%, lĩnh vực nông nghiệp nông thông tăng 11%, công nghiệp hỗ trợ tăng 15%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trên 30%, lĩnh vực xuất khẩu tăng trên 5%.
Huy động vốn đạt 826,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm; trong đó tỷ trọng huy động vốn bán lẻ chiếm 56,9% (đầu năm là 54,7%). Tổng huy động vốn bán lẻ đạt 470,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8%.
Còn đối với Sacombank, đến cuối tháng 5/2017, tổng tài sản tăng 5,8% so đầu năm, đạt hơn 348 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn từ thị trường 1 là tổ chức kinh tế và dân cư tăng 8% đạt hơn 312.000 tỷ và chiếm tổng cộng hơn 97% tỷ trọng vốn.
Hoạt động tín dụng tăng trưởng 9% với dư nợ gần 213.000 tỷ, trong đó cho vay với các lĩnh vực ưu tiên tăng 20% so với đầu năm.
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) - ông Hàn Ngọc Vũ cho hay, tín dụng 5 tháng đầu năm của VIB đã tăng 14,21%. Phân khúc khách hàng mà nhà băng này chú trọng là những khách hàng có chất lượng tốt và chấp nhận mức lãi suất hợp lý. Ngoài ra ngân hàng cũng quan tâm lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng, hạn chế tín dụng có độ tập trung lớn và hầu như không tài trợ khách hàng đầu cơ bất động sản. Ông Vũ cập nhật thêm rằng riêng tín dụng cá nhân của ngân hàng đã tăng trưởng 22%.
Với mức tăng trưởng của những tháng vừa qua, “room” cho tín dụng cả năm là 16% mà NHNN đã duyệt, VIB dự kiến sẽ đề xuất NHNN cho nới thêm chỉ tiêu cho phù hợp với thực tế thị trường và xu hướng chung toàn ngành cũng như tình hình kinh tế vĩ mô.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) thông tin năm 2017, được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng tối đa 16%, lên 95.317 tỷ đồng. Tuy nhiên với mục tiêu tăng vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng dự kiến tăng trưởng vượt mức và sẽ xin phép NHNN điều chỉnh mức 16% trên.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/5, tín dụng tăng trưởng 6,53% - mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào hoạt động ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt tín dụng đổ vào bất động sản đã tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2016.
Một số lo ngại cho rằng mức tăng trưởng này là quá nóng và làm liên tưởng đến thời kỳ tín dụng tăng không kiểm soát của giai đoạn 2009 – 2010.
Tuy nhiên theo lãnh đạo của một số ngân hàng đánh giá mức tăng trưởng tín dụng 6,53% phản ánh sự khởi sắc của nền kinh tế, nhu cầu về vốn cho hoạt động đầu tư sản xuất tăng cao...
Kim Tiền
Theo Trí thức trẻ