03:10 PM 15-06-2017- 03:10 PM 15-06-2017 - Lượt xem: 975
Hiệu ứng Latte lần đầu được giới thiệu bởi David Bach, một doanh nhân và sáng lập của FinishRich.com. Hiệu ứng này có nội dung vô cùng đơn giản: “Một lượng tiền nhỏ chi tiêu thường xuyên hàng ngày sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với những gì ta tưởng tượng.”
Khái niệm đơn giản và dễ hiểu này đã tạo ra vô số những tranh luận. Từ một bài báo của Mandi Wodruff từ Bussiness Insider, Helaine Olen đã đề cập đến “Hiệu ứng latte” trong cuốn sách của cô mang tên “Pound Foolish: Exposing the Dark Side of the Personal Finance Industry”. Cô tranh luận trên 2 khía cạnh:
1. Giả thuyết của Bach cho rằng một cốc latte tốn 5 USD là quá đắt. Latte rẻ hơn thế rất nhiều.
2. Bach cho rằng chúng ta có thể có lãi suất 10 – 11% nếu chúng ta dùng tiền để đầu tư thay vì uống latte. Olen cho rằng lãi suất như thế là bất hợp lý và không thực tế.
Những lời chỉ trích này không sai, nhưng chúng không phủ nhận được tính hợp lý của hiệu ứng này. Đầu tiên, ta cần phải biết “Hiệu ứng latte” không liên quan đến latte. Nó nói về những chi tiêu thông thường mà chúng ta phải gặp hàng ngày. Tiếp theo, có thể tỉ lệ lãi suất của Bach về lựa chọn uống latte hoặc đầu tư là sai, nhưng việc đó không thể phủ nhận những bài học quan trọng chúng ta rút ra được.
Thực tế, hiệu ứng đơn giản này có thể dạy cho chúng ta những khái niệm quan trọng nếu bạn muốn độc lập về mặt tài chính.
1. Cộng dồn
Một lượng tiền đầu tư nhỏ, qua năm tháng, có thể trở thành một khối tài sản vô cùng lớn. Chúng ta chưa cần nói đến trường hợp tiêu 5 USD một ngày với lãi suất 11%. Cứ cho rằng 3,5 USD/ngày với lãi suất 6% một năm. Sau 30 năm, số tiền tiêu pha đã lên đến 106.000 USD (theo nghiên cứu Vanguard).
2. Thời gian
Trong nghiên cứu trên của Vanguard, họ đã giả sử chúng ta tiêu 3,5 USD một ngày trong suốt 30 năm. Nhưng khi chúng ta tăng thời gian lên 40 năm, hay giảm xuống còn 20 năm thì sao?
Nếu sau 20 năm chúng ta không tiết kiệm và đầu tư nữa, chúng ta sẽ có 48.000 USD (1 tỷ đồng), kém so với 30 năm một khoản là 60.000 USD (1,3 tỷ đồng). Nếu sau 40 năm chúng ta mới ngừng tiết kiệm, thì số tiền có được sẽ lên đến 209.000 USD (4,7 tỷ đồng), và khoản tiền nhiều hơn so với mốc 30 năm là 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng).
Thời gian vô cùng quan trọng. Hãy nghĩ về yếu tố này khi bạn cân nhắc liệu có nên đầu tư sau khi trả hết nợ hay không.
3. Lợi nhuận
Olen không đồng tình với việc giả thuyết lãi suất 10%. Đây là luận điểm vô cùng quan trọng vì chỉ cần lệch 1%, trong khoảng thời gian nhất định, sẽ có sự thay đổi lớn trong khối tài sản của bạn. Giả thuyết của Vanguard là 6%. Nếu chúng ta thay đổi thành 7%, 106.000 USD (2,4 tỷ đồng) sẽ trở thành 128.000 USD (gần 3 tỷ đồng).
Hãy cân nhắc thật kĩ nếu nhà tư vấn tài chính thuyết phục bạn 1% là mức lãi suất hợp lý nhé.
4. Hơn một cốc Latte
Ta sẽ rất sai lầm nếu chỉ tập trung vào một cốc café. Hiệu ứng Latte tập trung vào tất cả mọi thứ chúng ta chi trả từ tiền truyền hình cáp, đến việc mua xe. Rất nhiều hộ gia đình có thể tiết kiệm được thêm một khoản kha khá nếu họ để ý đến việc chi tiêu hàng tháng kỹ lưỡng hơn. Ta gọi đấy là phương pháp One - N – Done. Nếu một hộ gia đình có thể tiết kiệm thêm 250 USD (5 triệu đồng) một tháng, thì sau 30 năm với lãi suất 6%, họ sẽ tiết kiệm được 250.000 USD (5 tỷ đồng).
5. Thói quen
Một số người bỏ qua “Hiệu ứng Latte” vì họ muốn tận hưởng cuộc sống. Ta thường nghe thấy câu “Cuộc đời ngắn ngủi phải sống hết mình”. Những câu quen thuộc đấy có phần nào đúng. Nhưng ta hiếm khi nghe thấy ai đó nói: “Cuộc sống ngắn lắm nên tôi sẽ đọc một quyển sách thật hay” hoặc “Cuộc sống này ngắn lắm nên tôi sẽ dành thời gian cho gia đình”.
Vì một lý do nào đó, những câu trên đều ám chỉ về việc tiêu tiền. Nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta tiêu tiền vào những thứ không khiến ta hạnh phúc. Nó chỉ cho chúng ta cảm giác vui nhất thời, nhưng không đem lại hạnh phúc dài lâu. Nếu chúng ta thử làm một thí nghiệm bằng cách từ chối “cốc latte” của mình trong 21 ngày liên tiếp, tôi nghĩ nó cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống chúng ta. Điều đó cũng áp dụng với những thứ như truyền hình cáp, cốc café hay một chiếc xe thừa…
6. Kiểm soát
Khi nói đến chuyện tiền nong, rất nhiều người từ không muốn nghĩ đến việc họ đang chịu trách nhiệm trực tiếp cho vấn đề tài chính của họ. Vì một lý do nào đấy, chúng ta tự nhủ bản thân mình là nạn nhân của một “hệ thống” nào đó hay do quá “nhọ” nên phải chi cho những thứ không cần thiết. Nó giúp chúng ta trốn tránh cảm giác trách nhiệm. Đôi khi trong cuộc sống, điều tốt xảy ra, điều xấu xa ập đến và có thể, chúng ta không kiểm soát được hết. Nhưng “Hiệu ứng Latte” chỉ ra rằng chúng ta có quyền kiểm soát tài chính hơn chúng ta tưởng.
7. Những khoản tiền nhỏ sẽ làm nên chuyện lớn
Hiệu ứng Latte cho chúng ta thấy sức mạnh của những khoản tiền nhỏ. Từng đồng tiền trong tay chúng ta đều quan trọng và có tiềm năng sinh lãi. Đương nhiên, chúng ta tiêu vào những thứ chúng ta cần và thứ chúng ta muốn. Nhưng chúng ta có thể tiết kiệm từng đồng một và dồn chúng lại thành một khoản lớn trong một thời gian.
VVesper Spiderum
Theo Trí Thức Trẻ/Forbes