09:37 AM 16-06-2017- 09:37 AM 16-06-2017 - Lượt xem: 1299
Trong Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội chiều 15/06, sau khi báo cáo tình hình KT-XH 5 tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã nêu giải pháp cụ thể để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; xử lý các dự án thua lỗ; quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường.
Không tăng trưởng bằng mọi giá
Về giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng tái khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá. Triển khai quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phấn đấu đạt tăng trưởng khu vực nông nghiệp 3,05%, xuất khẩu nông sản trên 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,34%; khu vực dịch vụ tăng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng trên 30%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ cố gắng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, hệ thống các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN); cải cách thể chế, nhất là thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh.
Phấn đấu giảm lãi suất tín dụng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm trên 18%, tập trung cho các lĩnh vực, đối tượng ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.
Theo dõi diễn biến, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, ổn định. Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, tạo thuận lợi cải tạo các khu chung cư cũ, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Giám sát chặt các ngân hàng 0 đồng
Về nhiệm vụ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu sau khi được thông qua. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã mua 0 đồng và thuộc diện kiểm soát đặt biệt; bảo đảm thanh khoản; thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia cơ cấu lại; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; xử lý dứt điểm các Quỹ yếu kém, không có khả năng phục hồi, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.
Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, giải quyết những vấn đề bất cập về pháp lý; tăng cường kiểm soát sở hữu chéo, ngăn ngừa thao túng, doanh nghiệp ”sân sau” trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng, triển khai phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, bảo đảm đúng mục tiêu, giải pháp, lộ trình đề ra. Giám sát chặt chẽ diễn biến nợ xấu và các tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho vay bất động sản ở mức cao.
Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 DN
Về cơ cấu lại DNNN và xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định Chính phủ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó hoàn thành cổ phần hóa 137 doanh nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2020 Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp (chưa bao gồm các công ty nông lâm nghiệp, doanh nghiệp quốc phòng an ninh, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Công ty mua bán nợ Việt Nam, Công ty quản lý nợ các tổ chức tín dụng Việt Nam, các công ty thủy nông thực hiện sắp xếp theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250 nghìn tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, các quy định pháp luật và cơ chế thị trường trong cổ phần hoá, thoái vốn; không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Tính đúng, tính đủ giá trị, quyền sử dụng đất, thương hiệu, triển vọng phát triển của doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN.
Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường. Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài. Đối với các dự án phục hồi được, có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và nhiệm vụ được giao.
Nguyễn Tuân
Infonet