03:18 PM 15-06-2017- 03:18 PM 15-06-2017 - Lượt xem: 893
"Tại hội nghị ngành tôm Việt Nam năm 2017, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đủ khả năng để phát triển mặt hàng tôm và mục tiêu đến 2025 đạt kim ngạch 10 tỷ USD, đóng góp 10% GDP vậy Bộ nông nghiệp đã có những giải pháp gì? Những thuận lợi và khó khăn nào để đạt được mục tiêu này?", đại biểu Phạm Đình Cúc đoàn Bà rịa vũng Tàu đặt câu hỏi về phát triển ngành hàng tôm cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong phiên chất vấn sáng nay.
Bộ trưởng Cường tỏ ra khá lạc quan với mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, đóng góp 10% GDP của con tôm Việt Nam đến năm 2025.
"Đối với ngành tôm, trong quá trình tái cơ cấu trước tình hình của biến đổi khí hậu, và hội nhập sâu rộng thì vấn đề quan trọng nhất để phát triển ngành hàng thì phải xác định lợi thế thị trường. Riêng về thị trường con tôm thì hiện nay trên thế giới có 7 tỷ người, không có quốc gia nào không ăn tôm. Đây là một lợi thế. Với tiềm năng tiêu thụ 5 triệu tấn trong khi nhu cầu tăng khoảng 10-15%, dư địa phát triển là có", ông Cường phân tích.
Điểm lợi thế thứ 2 được vị này chỉ ra là lợi thế về vị trí địa lý. Theo đó Việt Nam có lợi thế về điều kiện vùng mặt nước đặc biệt là vùng bán đảo Cà Mau, đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra nước ta còn có vùng dải duyên hải kéo dài 28 tỉnh, bãi cát trải dài, nhiệt độ ấm và Việt Nam đã có quá trình phát triển con tôm 20 năm qua.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, hiện ở nước ta đang có 300 doanh nghiệp trên các phân khúc sản xuất giống, thức ăn, chế biến, nuôi trồng. Hiện sản xuất tôm đã có diện tích nuôi là 660 nghìn ha với sản lượng 650 nghìn tấn, trị giá 3,4 tỷ USD. "Đây là những tiền đề quan trọng để chúng ta xây dựng nhận định phát triển ngành hàng tôm cho chiến lược đến năm 2020-2025", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chỉ ra điều khó nhất để thực hiện mục tiêu này là huy động lực lượng doanh nghiệp, lực lượng nông dân, nuôi trồng liên kết chặt chẽ, quản trị từ khâu giống, thức ăn, chế biến, xuất khẩu. "Nếu điều này lại tách rời, lẻ tẻ, ô nhiễm môi trường thì rất khó. Chúng tôi cho rằng đây là khâu khó nhất", Bộ trưởng e ngại.
Về tình hình thực hiện, Bộ Nông nghiệp đã xây dựng xong đề án cụ thể cho phát triển 2 giai đoạn và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số thỏa thuận phân khúc, Bộ này đã phối hợp với Bộ khoa học công nghệ chính thức giao việc nghiên cứu cho các viện Thủy sản giải quyết được con tôm giống cho các quá trình. Giai đoạn 2020-2022 cố gắng tập trung vào tôm sú và tôm thẻ. Giải quyết được khâu con giống giúp Việt Nam hoàn toàn chủ động, phục vụ cho nhu cầu phát triển chăn nuôi.
Ngoài ra ông Cường cũng tiết lộ thêm Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt khu phát triển công nghệ cao về con tôm cho tỉnh Bạc Liêu với 400ha, trên tinh thần xã hội hóa là chính, các doanh nghiệp tập trung vào khu này để giải quyết khâu con giống, các chế phẩm, quy trình, trung tâm đào tạo phục vụ cho chuỗi phát triển con tôm. Bên cạnh đó Bộ đang phối hợp với các tỉnh, doanh nghiệp sản xuất nuôi theo hướng sinh thái, không quá chú ý theo hướng thâm canh. Hiện có 2 hướng sản xuất tôm chính là là thâm canh nước lợ và tận dụng sinh thái.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ