10:23 AM 05-06-2017- 10:23 AM 05-06-2017 - Lượt xem: 825
Trên thế giới có gần 20 thị trường chứng khoán có quy mô vốn hóa vượt 10.000 tỷ USD, được đánh giá là những trung tâm tài chính quan trọng nhất. Trong đó, Sở giao dịch chứng khoán New York (New York Stock Exchane – NYSE) và Nasdaq là hai thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới với tổng vốn hóa trên 30.000 tỷ USD.
Nếu so sánh quy mô vốn hóa giữa thị trường chứng khoán Việt Nam (ước tính khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, tương đương 100 tỷ USD cuối quý 1/2017) với những thị trường này thì thực sự là quá khập khiễng, nhưng điều đó không có nghĩa những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam không đủ điều kiện để góp mặt trên NYSE hay Nasdaq.
Lấy ví dụ tại sàn Nasdaq – nơi một doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam có tham vọng IPO và niêm yết, sàn chứng khoán với quy mô vốn hóa toàn thị trường vượt mức 10.000 tỷ USD được chia thành 3 cấp độ khác nhau với những tiêu chuẩn tăng dần: Capital Market (small cap), Global Market (mid cap) và Global Select Market (large cap).
Trong đó, để được góp mặt trên Global Select Market – thị trường cao nhất đối với Nasdaq, các bộ tiêu chí được đưa ra gồm 2 yếu tố về tài chính (financial requirements) và thanh khoản (liquidity requirements).
Như yêu cầu về tài chính, các doanh nghiệp sẽ lựa chọn 1 trong 4 bộ tiêu chí về thu nhập, vốn hóa – dòng tiền, vốn hóa – doanh thu và tài sản – vốn chủ sở hữu.
Đối với bộ tiêu chí thu nhập, doanh nghiệp cần đạt mức lợi nhuận trước thuế 3 năm tài chính trên 11 triệu USD (tương đương khoảng 250 tỷ đồng), trong đó không năm nào ghi nhận lợi nhuận âm và 2 trong số 3 năm xem xét lớn hơn 2,2 triệu USD (50 tỷ đồng).
Nếu không đủ điều kiện này, doanh nghiệp có thể lựa chọn tiêu chí về vốn hóa – dòng tiền với tổng dòng tiền trong 3 năm gần nhất lớn hơn 27,5 triệu USD (tương đương hơn 630 tỷ đồng), vốn hóa thị trường lớn hơn 550 triệu USD (12.600 tỷ đồng) trong 12 tháng gần nhất và doanh thu lớn hơn 110 triệu USD (2.500 tỷ đồng). Còn nếu sử dụng bộ tiêu chí về tài sản, 2 điều kiện quan trọng là tổng tài sản lơn hơn 80 triệu USD (1.800 tỷ) và vốn chủ sở hữu lớn hơn 55 triệu USD (1.260 tỷ đồng).
Với bộ tiêu chuẩn về thanh khoản (liquidity requirements), những tiêu chí tối đa cần đạt như tổng số cổ đông lớn từ 2.200, khối lượng giao dịch bình quân trên 1,1 triệu cổ phiếu/tháng, số lượng cổ phiếu đang lưu hành từ 1,25 triệu hay giá trị thị trường của số cổ phiếu lưu hành từ 45 đến 110 triệu USD.
Với những điều kiện này, số lượng doanh nghiệp của Việt Nam chính tính riêng nhóm doanh nghiệp niêm yết là con số không hề nhỏ. Như Vinamilk, doanh thu tập đoàn ghi nhận trong năm 2016 đạt gần 47.000 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế hơn 9.300 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần so với quy định của Nasdaq. Thanh khoản của cổ phiếu VNM mỗi phiên giao dịch trong 52 phiên gần nhất đạt gần 1,2 triệu cổ phiếu với vốn hóa công ty hơn 200.000 tỷ đồng.
Những thị trường chứng khoán khác từng là tầm ngắm của các doanh nghiệp Việt như Hong Kong hay Singapore cũng không phải quá khó khăn nếu xét về điều kiện đăng ký.
Để góp mặt trên sàn chứng khoán của Hong Kong (HKEx), xét về tài chính, các doanh nghiệp cần đáp ứng 4 tiêu chuẩn chính về lợi nhuận dành cho cổ đông công ty mẹ, vốn hóa, doanh thu và dòng tiền.
Tuy nhiên, điều kiện thấp hơn so với để lên sàn Nasdaq, đơn cử như tổng lợi nhuận dành cho cổ đông trong 3 năm gần nhất chỉ cần trên 50 triệu đôla Hong Kong, tương đương hơn 145 tỷ đồng. Hay như vốn hóa, yêu cầu cao nhất của HKEx đối với doanh nghiệp trước khi niêm yết phải đạt trên 4 tỷ đôla Hong Kong, tương đương gần 12.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, để được công nhận trên thế giới, các số liệu tài chính đối với doanh nghiệp Việt Nam phải được xây dựng lại theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế (International Financial Reporting Standards – IFRS) hoặc tiêu chuẩn riêng với từng thị trường (như HKEx là China Accounting Standards for Business Enterprises), thay vì sử dụng tiêu chuẩn kế toán Việt Nam (VAS) như hiện tại. Dù vậy, với những doanh nghiệp top đầu, các chỉ số sẽ không có sự xáo trộn quá nhiều.
Theo Tuyết Lan
Trí Thức Trẻ