08:57 AM 08-07-2017- 08:57 AM 08-07-2017 - Lượt xem: 949
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) cho hay, Sở đã chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu cho CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase). Theo đó, toàn bộ 150 triệu cổ phiếu Biwase sẽ được giao dịch trên HOSE từ ngày 20/7 với mã chứng khoán là BWE, giá tham chiếu phiên đầu tiên là 14.000 đồng.
Một món ăn hợp khẩu vị của những nhà đầu tư dài hạn
Thương vụ IPO của Biwase hồi tháng 8 năm ngoái được xem là thương vụ IPO lớn nhất trong ngành nước và xử lý nước thải ở Việt Nam từ trước đến nay khi thu hút 269 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 9 tổ chức trong nước và 5 tổ chức nước ngoài tham gia với lượng đặt mua gần 62 triệu cổ phần, gấp 3 lần lượng chào bán.
Biwase hiện đang quản lý mạng lưới cấp nước rộng lớn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thuộc tốp lớn nhất cả nước trong ngành với công suất 383.000 m3/ngày đêm.
Báo cáo thường niên năm 2016 của Biwase cho biết, Công ty đang quản lý và khai thác tổng cộng 3.301 km đường ống cấp nước loại D60-D1400. Trong năm 2016, Biwase sản xuất tổng cộng 106,8 triệu m3 nước, sản lượng tiêu thu đạt 98,06 m3, tỷ lệ thất thoát cũng giảm mạnh so với thời kỳ trước đó, chỉ còn dưới 7%.
Về hoạt động xử lý rác thải, khối lượng rác Biwase xử lý trong năm 2016 trung bình là 1.690 tấn/ngày.
Kết quả kinh doanh năm 2016, Biwase đạt doanh số 1.370 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 241 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 41% so với năm 2015. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt 19% trong năm 2016. Năm 2016, tổng tài sản của Công ty tăng 22% lên 8.725 tỷ đồng.
Năm 2016, Biwase cho biết đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho các dự án. Trong đó, Các dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn II, tiến độ 95%; Dự án cấp nước Nam Thủ Dầu Một mở rộng, tiến độ 90%; Dự án mở rộng kênh Ba Bò đang hoàn thành… Đặc biệt, công trình nhà máy cấp nước Chơn Thành công suất 30.000m3 ngày đêm đã đưa vào hoạt động tháng 11/2016.
Nhưng miếng ngon không thuộc về số đông?
Đến nay, Bình Dương vẫn đang cho thấy một sức hút đáng kể đối với các nhà đầu tư, Riêng năm 2016, Bình Dương đã thu hút được 2,4 tỷ USD dự án đầu tư nước ngoài. Đến nay, toàn tỉnh có 2.827 dự án với tổng số vốn lên đến 25,7 tỷ USD. Toàn tỉnh có 29 KCN được thành lập với diện tích 9.421,91 ha và theo Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương đến năm 2020 Bình Dương dự kiến sẽ nâng số KCN lên 37 KCN với tổng diện tích 17.231,53 ha.
Điều đó cho thấy, Biwase còn nhiều cơ hội để tiếp tục mở rộng cung cấp các dịch vụ cấp, thoát nước, xử lý rác thải tại địa phương này. Điều này đã hấp dẫn các nhà đầu tư dài hạn đối với cổ phiếu BWE.
Hiện nay các cổ phiếu ngành cấp nước trên sàn chứng khoán đã khá đông đảo. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ. Ngược lại, DN có quy mô lớn như Cấp nước Đồng Nai (Dowaco) hay CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) thì lại chọn giao dịch trên sàn UpCom nên thanh khoản quá thấp, không hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân.
Đối với Biwase, mặc dù có quy mô vốn lớn hơn và giao dịch ở sàn HOSE nhưng với cơ cấu sở hữu hiện tại, khó có thể kỳ vọng vào sự cải thiện về thanh khoản so với các cổ phiếu cùng ngành khác.
Hiện tại, Becamex IDC đang sở hữu 76,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 51%, TDM sở hữu 52,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 35,00%. Khoảng 823 cổ đông cá nhân còn lại chỉ sở hữu vỏn vẹn 8,35 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,57% vốn. Bên cạnh đó, Biwase cũng đang nắm 7,8 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 25,96% vốn của TDM. Cả BWE và TDM cũng đồng thời sở hữu 15% vốn tại DNW.
Điều này cho thấy, tình hình sở hữu chéo của 2 công ty này có thể cản trở sức thanh khoản của thị trường, hạn chế cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức. Ví dụ điển hình như trong năm 2016, REE đã quyết định ‘buông’ Dowaco sau 2 năm đầu tư nhưng vẫn không mua đủ cổ phần để đưa DNW thành công ty liên kết.
Không những thế, việc BWE chậm trễ trong việc đưa cổ phiếu lên sàn sau khi hoàn tất IPO từ tháng 8 năm ngoái cũng làm các nhà đầu tư lo ngại về tính chuyên nghiệp và xem nhẹ lợi ích cổ đông của ban điều hành. Các cổ đông Biwase đến nay vẫn chưa thể chuyển nhượng cổ phiếu BWE khi các thủ tục niêm yết bị chậm trễ, kéo dài thời gian niêm yết cho đến nay.
Huy Nguyên
Trí thức trẻ