08:59 AM 24-07-2017- 08:59 AM 24-07-2017 - Lượt xem: 1041
Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Matt Kepnes đã được nhận vào làm công việc làm quản lý hồ sơ tại bệnh viện bang Boston, Mỹ với mức lương ổn định hàng tháng khoảng 35.000 USD. Matt Kepnes còn học thêm bằng cử nhân kinh doanh để phục vụ cho công việc của mình.
Nhưng chỉ sau 2 năm công tác, anh cảm thấy công việc quá mức nhàm chán và muốn nghỉ việc ngay lập tức. “Tôi nghĩ làm quản lý hồ sơ cho bệnh viện cũng chỉ là công việc tạm thời. Nhiều người cho rằng mức lương 35.000 USD/tháng ổn định là công việc tốt nhưng tôi không thích sự gò bó. Tôi muốn được đi nhiều nơi nên quyết định bỏ việc nhàn lương cao để đi du lịch vòng quanh thế giới”, anh Matt Kepnes chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ CNBC.
Và quả thật, kì nghỉ đến Thái Lan chính là bước ngoặt trong sự nghiệp của chàng trai 25 tuổi này. “Tôi đã luôn muốn đến Thái Lan, một nơi ấm áp và có nhiều bãi biển nhiệt đới xinh đẹp. Nghe có vẻ là thiên đường dành cho tôi”. Sau khi đến Chiang Mai, anh đã gặp gỡ một nhóm người dành toàn bộ thời gian để đi du lịch.
“Tôi thích cách sống của họ, thích ý tưởng theo chủ nghĩa xê dịch của họ, đi khắp nơi trên thế giới, gặp gỡ những con người tuyệt vời và làm những điều tuyệt vời. Đó là một sự trái ngược hoàn toàn với công việc nhàm chán của tôi”, anh nói.
Khi Kapnes trở lại làm việc sau kì nghỉ đến Thái Lan đó, anh đã nộp đơn xin nghỉ sau 6 tháng thu xếp bàn giao lại mọi công việc. Kapnes thừa nhận anh là một chàng trai cung Song Tử có những quyết định bốc đồng. Anh cũng đối mặt với sự phản đối kịch liệt của cha mẹ khi biết anh bỏ việc đi du lịch và phải tìm cách thuyết phục họ chấp nhận quyết định của mình.
Kapnes dành thời gian để kết thúc khóa học quản trị kinh doanh của mình trong một năm rưỡi và tiết kiệm khoảng 30.000 USD làm chi phí cho chuyến đi du lịch. Sau đó, anh bắt đầu hành trình 18 tháng chu du khắp nơi trên thế giới.
Matt Kapnes đã đi du lịch khắp nước Mỹ trong khoảng hai tháng, dành ba tháng ở vùng trời Châu Âu, ba tháng ở Úc và một năm ở Châu Á.
“Có nơi tôi ở lại 2 ngày nhưng có nơi tôi ở lại một tuần hoặc một tháng, tôi đi bằng cảm giác của tôi thôi”, Kepnes nói anh đã trải qua 7 tháng ở Băng Cốc dạy tiếng Anh cho người dân bản địa để kiếm thêm kinh phí tiếp tục chuyến đi.
Kepnes trở về nhà vào năm 2008 và anh đã nảy ra ý tưởng viết blog chia sẻ về hành trình du lịch của mình. Nhờ có những trải nghiệm tuyệt vời, khả năng SEO tốt nên trang Web Nomadic Matt của anh đã trở nên phổ biến sau một năm.
“Tôi đã nghĩ về hành trình của mình và muốn chia sẻ với tất cả mọi người. Tôi đoán rằng những người yêu thích du lịch sẽ hứng thú với trang web" - anh nói.
Khi đó, trang web này đã mang về cho anh khoảng 60.000 USD/năm. Kapnes quyết định tài trợ cho các bài viết, tiếp thị liên kết để phổ biến website của mình. Anh còn học thêm các khóa học về phương tiện truyền thông và viết một cuốn sách “Làm thế nào để du lịch vòng quanh thế giới chỉ với 50 USD/ngày”. Đây cũng là một trong những cuốn sách hiếm hoi về du lịch bán chạy nhất của tờ New York Times.
Trong suốt quãng thời gian đó, Kapnes vẫn tiếp tục hành trình đi du lịch từ lặn biển ở Fiji rồi lại sang Châu Phi, đi đến vùng Galapagos, leo núi ở Patagonua và kết hợp doanh thu bằng cách tung ra nhiều bài viết mới. Sau 5 năm thành lập, trang web này đã mang về cho anh thu nhập đến 6 con số với hơn 1.5 triệu người truy cập mỗi tháng. Ước tính, tối thiểu Kapnes có thể thu được thấp nhất 750.000 USD/tháng.
Kepnes đã đi qua 90 quốc gia và tuyển thêm 3 người trợ lý giúp anh quản lý website. Hiện tại, anh đã 36 tuổi và dành thời gian 6 tháng/năm để đi du lịch. Khoảng thời gian còn lại anh sẽ quay về quản lý công việc kinh doanh nhà nghỉ - khách sạn ở thành phố New York và Austin.
“Tôi có thể làm việc ở bất cứ đâu, kể cả trong lúc tôi đi du lịch. Công việc của tôi khá linh hoạt và quản lý thời gian tốt. Tôi có thể làm những điều tôi thích và không phải quá lo lắng về áp lực công việc gì đó”.
Anh Kapnes khuyên những ai muốn có cuộc sống tự do và thoải mái làm điều mình thích: “Hầu hết mọi người chỉ lo lắng cho ngày mai mà quên mất họ phải sống tốt ngày hôm nay. Họ chỉ chăm chăm lo đến tương lai, kì nghỉ hưu… mà không nhìn thấy cơ hội ở phía trước họ. Họ lao đầu vào làm việc để trả nợ nần mà quên mất cuộc sống là phải trải nghiệm và hưởng thụ”.
Nguyễn Linh
Trí thức trẻ/CNBC