03:21 PM 14-06-2017- 03:21 PM 14-06-2017 - Lượt xem: 814
4 năm trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 để thực hiện Đề án này. Từ đây, một cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, thực hiện trên khắp các lĩnh vực, đã được thực hiện suốt 4 năm.
Hôm nay, trong phiên chất vấn đầu tiên của cuộc họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã điểm lại những kết quả đạt được của cuộc tái cơ cấu trong 4 năm vừa qua, đồng thời đưa ra lộ trình 4 năm tới cho đến năm 2020.
Theo đó, có thể kể ra một con số thống kê sau công cuộc tái cơ cấu từ năm 2013-2016 vừa qua là giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng bình quân 1,54%/năm, giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng trọt năm 2016 ước đạt 86 triệu đồng (tăng khoảng 13,2 triệu đồng so với năm 2012), suất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt bình quân 15,6 tỷ USD/năm, tăng hơn 1tỷ USD/năm so với bình quân giai đoạn 2010-2012.
Ở điểm quan trọng nhất trong bài nói của mình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã đưa ra lộ trình của cuộc tái cơ cấu trong thời gian sắp tới. Theo đó, Bộ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đang xây dựng kế hoạch mang tên Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020.
Kế hoạch này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 6 năm 2017, qua đó sẽ là cơ sở triển khai công cuộc tái cơ cấu thực hiện trong năm 2017 và giai đoạn tiếp theo.
Một số mục tiêu cụ thể cho Nông nghiệp Việt Nam được nhắc vị Bộ trưởng nhắc đến, trong đó có nhiều chỉ số rất đáng quan tâm như tốc độ tăng GDP nông nghiệp hay thu nhập của cư dân nông thôn. Cụ thể:
- Tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt tối thiểu 3%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp có chứng chỉ đào tạo tăng lên khoảng 22%; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.
- Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015 (tương đương 50 triệu/năm), 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; khoảng 1.800 trang trại được công nhận/năm;
- Thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp; tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 42%.
Trên cơ sở bản kế hoạch này, từng cơ quan đơn vị thuộc Bộ, các địa phương phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cụ thể của lĩnh vực và địa phương mình. Hàng năm, Bộ sẽ xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho phù hợp và hiệu quả.
Để giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong quá trình cơ cấu lại ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ Tiêu chí theo dõi đánh giá thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến năm 2020 (Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 12/5/2017).
Từ nay đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hướng dẫn và triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí này để có cơ sở hơn đánh giá kết quả thực hiện trong những năm tiếp theo.
Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ