10:18 AM 24-06-2017- 10:18 AM 24-06-2017 - Lượt xem: 1152
Câu hỏi đâu là sẽ động lực phát triển của kinh tế Việt Nam trong tương lai đang được đặt ra một cách rất nghiêm túc. Trong nhiều buổi hội thảo gần đây, các vị học giả, chuyên gia đã đưa ra câu trả lời của mình như sự tham khảo cho Chính phủ và các Bộ, ban, ngành.
Tại Diễn đàn "Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2017" được tổ chức bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân một lần nữa lại được nhấn mạnh. Thậm chí, theo lời Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Nguyễn Văn Nam thì "Bất cứ một đất nước nào muốn 'làm giàu, làm có' thì đội quân chủ lực phải là doanh nghiệp. Đây là mô hình mà bất cứ nước nào cũng làm".
Mô hình lý tưởng như nhiều nước khác đã thực hiện có thể ứng dụng cho Việt Nam sẽ là "một hệ thống doanh nghiệp có đủ vừa, lớn, nhỏ cần hoạt động một cách trơn tru, thuận lợi, thông thoáng, không gây khó khăn thì sẽ bắt đầu đóng góp trở lại cho xã hội"
"Vậy lực lượng doanh nghiệp nào là đáng tin cậy nhất để dựng nền kinh tế Việt Nam lên? Đó chính là doanh nghiệp của nhân dân – là doanh nghiệp tư nhân, nước nào cũng vậy thôi", Ông Nam khẳng định.
Từ góc độ một người nghiên cứu chính sách, vị tiến sĩ này khá thận trọng khi xem xét thực trạng của các nhóm doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam. Với khối doanh nghiệp nhà nước, theo ông thì không chỉ 12 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác cũng đang lâm vào tình trạng "càng đồ tiền vào thì càng mất mát thua lỗ".
Còn với khối doanh nghiệp FDI, dù thừa nhận rằng đây là lực lượng đóng góp chính cho nền kinh tế, ông Nam vẫn khuyến nghị đây không thể động lực tăng trưởng lâu dài bởi "họ đến thì họ có thể đi bất cứ lúc nào".
Vị Tiến sĩ nhắc lại về câu chuyện buồn của ngành ô tô: "Nếu chính sách của chúng ta chỉ cần có một thay đổi nào đó, họ sẽ rút, giống như vừa rồi khi ô tô nhập khẩu đưa mức thuế về 0% thì một loạt các doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đầu tư nước ngoài bảo không làm nữa, họ chỉ chuyển sang nhập khẩu thôi".
Thế nhưng, tiếc thay nhìn lại lịch sử phát triển của doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, ông Nam một cách thẳng thắn nhận định chưa thành công. Ông nói:
"Việt Nam mình để chuyển sang kinh tế mở cửa hơn 30 năm, từ năm 1986 đến nay nhưng đến bây giờ vẫn lúng túng chưa biết làm thế nào để xây dựng một hệ thống doanh nghiệp. Đến bây giờ mới có tổng cộng 500, 600 nghìn doanh nghiệp là quá ít, quá nhỏ".
Từ xưa đến nay, vai trò của doanh nghiệp tư nhân đã được chứng minh. Nhưng theo ông Nam, "chúng ta đã không thừa nhận nó" một cách gián tiếp thông qua việc thiếu những chính sách để giữ, để khai thác hết tài năng của khối tư nhân.
"Về chính sách, anh mới có ý tưởng thôi chứ còn thiết kế chính sách từ chính sách lớn đến nhỏ là chưa đúng. Về mặt lâu dài thì phải xóa bỏ cơ chế xin cho, bao cấp, tiến hành cải cách thể chế và thị trường để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân" - Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam kết thúc phần nhận định của mình.
Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ