10:14 AM 19-06-2017- 10:14 AM 19-06-2017 - Lượt xem: 861
“Ba mẹ muốn hai anh em tôi học xong thì xin việc làm ổn định ở quê, nên đã rất sốc và nghĩ hai đứa ‘điên’ khi cho học đại học tốn bao nhiêu tiền giờ ra làm… thợ mộc”, Hoàng Văn Hùng chia sẻ về quyết định rẽ ngang khi cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp cử nhân sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc Gia TP HCM).
Chàng trai 24 tuổi quê Nghệ An từng giành 7 học bổng các loại và được thầy giáo mời ở lại trường làm nghiên cứu. Nhưng cuối cùng, Hùng cùng anh trai và 4 người bạn khác lại "ôm mộng" lập công ty đồ chơi gỗ.
Hùng đến với ý tưởng làm đồ chơi gỗ khi còn là sinh viên đi làm thêm ở xưởng đóng bàn xếp. Ảnh: Viễn Thông |
Năm 2012, khi đang đi học, Hùng làm thêm ở xưởng mộc chuyên đóng bàn xếp cho sinh viên. Tình cờ, một hôm, vài đứa trẻ hàng xóm sang chơi, nên anh đã nghĩ ra việc dùng gỗ thừa để chế tạo đồ chơi cho chúng. Sau chiếc xe gỗ đầu tiên với ý định làm cho vui và tận dụng giờ giải lao, sản phẩm của Hùng lại được trẻ con thích thú và nhiều người biết đến hỏi mua.
Nhận thấy cơ hội, anh mất gần 2 tháng luyện thuần thục cách chà nhám gỗ và bắt đầu học vẽ mẫu. Đến đầu 2013, Hùng cùng anh trai và 4 người bạn quyết định lập xưởng làm đồ chơi. Dạo ấy, xưởng chỉ là một góc nhỏ trong xưởng đóng bàn ghế. Suốt 6 tháng đầu, tình hình đơn hàng tiến triển tốt. Tuy nhiên, đến giữa năm, thị trường ngày một khó khăn, khách buôn từ chối nhận hàng.
“Ban đầu mình cứ nghĩ nó thuận lợi lắm, cứ làm ra rồi bỏ sỉ cho người ta bán. Nhưng thời gian sau khách sỉ không ai đến lấy hàng. Cuối cùng tôi phải tự mang ra vỉa hè bán. Tôi nghĩ đó là phương thức chữa cháy nhưng ai ngờ cháy lại càng cháy”, Hùng kể lại một tháng đầu đưa hàng ra vỉa hè mà không bán được món nào trong khi lại phải ngại khi bạn bè từng học chung nhìn thấy.
“Nhiều khi căng thẳng kinh khủng, sáng thức dậy là phải nghĩ làm sao có tiền trả lương cho anh em. Tuy nhiên, thấy mọi người vẫn chưa nản trong khi mình đứng đầu mà bỏ cuộc thì sao được”, Hùng kiên trì bám vỉa hè thêm vài tháng, gầy dựng lại hệ thống phân phối để tồn tại.
Đã có nhiều tháng Hùng phải mang sản phẩm ra lề đường bán vì khách buôn từ chối nhận hàng. |
Đến nay, khi bước qua giai đoạn khó khăn nhất, Hùng đã có một xưởng đồ chơi gỗ 100m2 với 40 nhân công. Trung bình mỗi tháng công ty anh sản xuất 1.000 sản phẩm, giá dao động từ 60.000 đồng đến 300.000 đồng. Dù không tiết lộ nhưng với giá trung bình 150.000 đồng một sản phẩm thì doanh thu hàng tháng của xưởng có thể hơn trăm triệu. Tuy nhiên, để trả lương cho lao động và tái đầu tư thì anh thừa nhận, hiện doanh thu chỉ mới ở mức giúp công ty đủ duy trì.
Đồ chơi gỗ của Hùng không sơn màu giống đơn vị khác. Anh cũng không tập trung quảng bá đồ chơi thông minh dù sản phẩm cũng góp phần phát triển trí tuệ thông qua việc lắp ghép và cảm xúc, thông qua các ý tưởng mẫu đồ chơi.
“Chúng tôi luôn trung thành với màu gỗ. Trong quan niệm của mình, màu gỗ thì an toàn, người mua dùng cũng thấy an tâm hơn. Đồ chơi gỗ mà sơn màu lên thì chẳng khác gì đồ chơi nhựa. Hơn nữa, để sơn màu cho đồ chơi gỗ thật sự an toàn cho trẻ nhỏ thì loại sơn đó rất đắt, khiến sản phẩm đội giá lên rất cao”, Hùng nêu lý do.
Hiện nay, đồ chơi gỗ của anh đã có mặt ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hưng Yên, Nghệ An, Nha Trang… và các hệ thống thương mại điện tử lớn như Lazada, Adayroi… Với hàm lượng 70% là thủ công, công ty Hùng nhắm đến phân khúc tầm trung vì đồ chơi gỗ không thể "đánh" tầm thấp như một số dòng đồ chơi nhựa.
“Chúng tôi xác định mình sẽ đi theo hướng riêng và không giẫm chân vào người khác. Bên ngoài thị trường, ai cũng sơn màu, ai cũng làm đồ chơi gỗ thông minh. Nếu mình cũng làm vậy tức mình đi vào vết chân của người ta”, Hùng chia sẻ.
Không phải là lĩnh vực đòi hỏi trình độ đặc biệt nhưng Hùng cho biết thị trường đồ chơi gỗ tại Việt Nam có khá ít người làm, trừ các doanh nghiệp lớn chủ yếu hướng đến xuất khẩu.
“Thật sự nhiều người cũng muốn làm nhưng làm cái này nó chi tiết, mất thời gian lại không lời nhiều. Trong khi làm nội thất, sản phẩm to, dễ và thông dụng. Còn đồ chơi gỗ nói thẳng ra không phải là mặt hàng thiết yếu. Với lại, nghĩ tới chuyện cạnh tranh với đồ chơi Trung Quốc là người ta ngán, không muốn làm. Thậm chí, các doanh nghiệp lớn thì họ xuất khẩu là chính. Sau khi có đủ lực họ mới quay lại thị trường nội địa. Chứ ngay từ đầu, họ cũng không dám phủ thị trường trong nước trước vì nó không nuôi nổi họ”, Hùng kể về con đường vắng người nhưng cũng không dễ tồn tại của công ty.
Đối với Hùng và đội ngũ, thách thức lớn nhất phía trước là phải tăng vốn để mở rộng quy mô sản xuất vì đơn vị đã phải từ chối vài đơn hàng lớn. Hiện bước đầu, công ty đang đặt gia công thêm ở các xưởng gỗ bên ngoài. Đồng thời, đã có một số liên kết với xưởng gỗ khác để cùng hợp tác nhận đơn hàng.
“Tôi quan niệm, tuổi trẻ chỉ có một lần thôi. Nếu cứ ở mãi vùng an toàn để nó trôi qua không có dấu ấn thì sau này sẽ hối tiếc. Do đó, tôi muốn mình sống và làm việc bằng tất cả năng lực và đam mê của bản thân”, chàng trai 9x cho biết.
Viễn Thông